logo
title

Tìm lời giải cho bài toán du lịch Vĩnh Phúc

Cập nhật ngày: 07/05/2024
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp để đánh thức tiềm năng du lịch, tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch chưa được như kỳ vọng, trong đó có những hạn chế từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cả phía người dân. Vậy đâu là giải pháp để ngành công nghiệp không khói phát triển nhanh và bền vững?
 
Với sự đầu tư bài bản, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Khu danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo) ngày càng hút khách, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Ảnh: Chu Kiều
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, khách du lịch đến Vĩnh Phúc có mức chi dùng thấp, các sản phẩm lưu niệm chỉ đáp ứng được 10% sức mua của khách du lịch.
 
Trong khi đó, các địa phương - nơi có địa điểm du lịch lại phải gánh chịu một lượng lớn rác thải do du khách sử dụng thải ra môi trường, đó là chưa kể những vấn đề phát sinh khác.
 
Con số nêu trên cũng đã phản ánh phần nào thực trạng của ngành Du lịch hiện nay. Điều này nhắc nhở cơ quan quản lý Nhà nước cần nhìn nhận lại chiến lược phát triển du lịch hiện nay và giai đoạn tiếp theo của tỉnh sâu rộng hơn chứ không dừng lại ở việc tuyên truyền, quảng bá đơn thuần.
 
Đơn cử như trong mùa cao điểm du lịch năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị kinh doanh lữ hành nói riêng, kinh doanh du lịch nói chung trên địa bàn tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm hiện có; tập trung rà soát, tuyển dụng thêm lao động, đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ; nâng cao uy tín doanh nghiệp; đồng thời, xây dựng hình ảnh, tạo sức hút lớn với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
 
Để thu hút du khách, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng chỉ mới tăng cường liên kết xây dựng tuyến, tour mới; đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân sự phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách... mà chưa đề ra giải pháp giảm giá thành, cung cấp các gói sản phẩm du lịch nổi trội hơn nữa.
 
Để du khách có hứng thú quay trở lại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cần phải tổng hòa được các mối quan hệ từ cấp quản lý - doanh nghiệp - người dân. Vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là hô hào để phát triển ngành Du lịch, bởi việc này chỉ giải quyết được phần ngọn.
 
Anh Nguyễn Quang Trung, Giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở quận Cầy Giấy (Hà Nội) cho biết: Để phát triển du lịch ở một địa phương, vai trò của cơ quan quản lý rất quan trọng. Bởi đối với du lịch thì đối tượng quan trọng nhất là khách hàng.
 
Trên một số phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng mạng xã hội đã phản ánh hiện tượng phân biệt du khách.
 
Thực tế, khách du lịch thì ở nước nào đi chăng nữa cũng có người nọ, người kia nên không thể đánh đồng tất cả được.
 
Vì lẽ này sẽ làm hao hụt một lượng khách du lịch đáng kể, điều đó đồng nghĩa với việc mất đi một khoản doanh thu du lịch.
 
Vì vậy, trước mắt cần quảng bá rộng rãi hình ảnh thân thiện, sẵn sàng phục vụ tận tình du khách đến thăm quan, mua sắm mà không phân biệt đối tượng khách du lịch.
 
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần xây dựng hotline đầy đủ các kênh từ số điện thoại đến các nền tảng mạng xã hội để du khách có thể tố cáo các nhà hàng "chặt chém" du khách về giá cả; người bán hàng rong, xe khách, taxi, xe ôm lừa đảo, nâng giá quá mức... và cần xử lý nghiêm, làm cho du khách cảm thấy an toàn, được bảo vệ tại điểm du lịch thì họ mới vui vẻ quay trở lại.
 
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân về hoạt động du lịch để giữ chân du khách.
 
Đối với các doanh nghiệp khai thác du lịch, yếu tố quan trọng nhất là cần giữ được mặt bằng giá cả ổn định. Đã có trường hợp doanh nghiệp viện cớ vào mùa cao điểm tăng giá dịch vụ, điều đó khiến lượng khách du lịch sụt giảm.
 
Để hấp dẫn du khách, điều quan trọng bậc nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là cần tạo cho du khách các sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng. Tâm lý chung của khách du lịch là sau khi thăm thú danh lam thắng cảnh, họ có nhu cầu vui chơi, giải trí cao, vì vậy, doanh nghiệp nào đáp ứng được nhu cầu đó thì sẽ ngày càng phát triển.
 
Ở mỗi địa điểm du lịch thì vai trò của người dân địa phương rất quan trọng. Để phát triển, người dân cũng cần thay đổi nhận thức trong văn hóa ứng xử với khách du lịch. Bởi, mỗi người dân là “đại sứ” du lịch quảng bá hình ảnh, phong tục địa phương mình đang sinh sống. Giữ được “chất” du lịch để du khách đã đến và muốn đến thêm thì trước tiên phải thân thiện, văn minh và đặc biệt là bán sản phẩm đúng giá.
 
Định hướng phát triển kinh tế của tỉnh đã ở giai đoạn mới, trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực chủ đạo là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp sạch phục vụ du lịch. Du lịch sẽ lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng các khu dịch vụ phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn.
 
Để ngành Du lịch phát triển nhanh và bền vững, tỉnh cần có những giải pháp căn cơ hơn nữa để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
 
Thành An
Báo Vĩnh Phúc - baovinhphuc.com.vn