logo
title

Huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc): Số hóa trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 27/03/2024
Nhằm lưu giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện gắn mã QR Code tại nhiều điểm di tích lịch sử, địa chỉ đỏ để người dân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin, hình ảnh về di tích, địa danh lịch sử, địa điểm du lịch một cách nhanh chóng, đầy đủ và sinh động… Qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, theo xu thế mới của thời đại.
 
Huyện Đoàn Bình Xuyên ra mắt công trình thanh niên "Chuyển đổi số trong giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử" tại đình Gia Du, thị trấn Gia Khánh. Ảnh: Trà Hương
 
Đình Gia Du, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Nơi đây gắn liền với các sự kiện, nhân vật lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, cũng như cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và công cuộc xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân ở Gia Khánh.
 
Nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử văn hóa của di tích, khởi động Tháng Thanh niên năm 2024, Huyện Đoàn Bình Xuyên đã phối hợp triển khai công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử - văn hóa đình Gia Du”.
 
Công trình thanh niên được tích hợp, thiết kế thông qua 2 mã quét QR, được Huyện Đoàn số hóa trên 2 ứng dụng. Mã thứ nhất: Đồ họa thiết kế, mô tả về lý lịch và di tích lịch sử của đình thông qua file pdf (gồm chữ và ảnh minh họa).
 
Mã thứ hai: Video clip phóng sự dài hơn 17 phút, thuyết minh giới thiệu lịch sử, văn hóa của đình với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc diễn ra ngay tại đình và cuộc sống thường nhật của người dân tại tổ dân phố Gia Du, thị trấn Gia Khánh.
 
Bí thư Huyện Đoàn Bình Xuyên Lê Hồng Quân cho biết: "Huyện Đoàn phối hợp triển khai gắn mã QR “Giới thiệu các di tích lịch sử bằng hình thức số hóa” tại 4 điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện gồm đình Lý Nhân, xã Phú Xuân; đền Trung, đền Thượng Thanh Lanh, xã Trung Mỹ; đình Quất Lưu, xã Quất Lưu; đình Gia Du, thị trấn Gia Khánh; ra mắt câu lạc bộ tuyên truyền di tích lịch sử, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn huyện Bình Xuyên".
 
Chỉ với thao tác quét mã QR trên điện thoại thông minh, du khách có thể truy cập vào website giới thiệu tổng quan về di tích gồm những thông tin như niên đại xây dựng, lịch sử hình thành, quá trình biến đổi, giá trị văn hóa, nét đẹp kiến trúc, bản đồ địa chỉ di tích…
 
Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử; đồng thời, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Bình Xuyên đến mọi miền Tổ quốc và vươn ra thế giới.
 
Thực hiện chủ đề “Tuổi trẻ Vĩnh Phúc tiên phong chuyển đổi số”, Thành Đoàn Phúc Yên đã ra mắt 4 công trình thanh niên số hóa di tích quốc gia đền thờ Ngô Tướng Công, phường Phúc Thắng; di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Báo Ân tự ở phường Trưng Nhị; nhà lưu niệm Bác Hồ, phường Trưng Trắc; đình Cao Quang, xã Cao Minh.
 
Phó Bí thư Thành Đoàn Phúc Yên Nguyễn Thị Nga cho biết: "Công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử - văn hóa" có lắp đặt điểm quét mã QR ngay tại cửa các di tích, địa chỉ đỏ. Các mã QR đã được tích hợp và ứng dụng số hóa vào quảng bá, giới thiệu thông tin di tích lịch sử văn hóa tới người dân, du khách. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch văn hóa, du lịch tâm linh".
 
Theo thống kê của Sở VHTTDL, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 521 di tích đã được xếp hạng, trong đó, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 64 di tích quốc gia, 453 di tích cấp tỉnh. Vĩnh Phúc có 571 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO công nhận (Ca trù, Kéo song Hương Canh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ), 7 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Nhằm số hóa di tích, địa chỉ đỏ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo 100% các Huyện, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc phối hợp xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ đặt trước các địa danh, di tích lịch sử. Sau 1 năm triển khai, đến nay, tuổi trẻ toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 30 công trình thanh niên gắn mã QR Code tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ.
 
Thông qua việc triển khai các công trình đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong việc tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử; giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch trên địa bàn.
 
Minh Thu
Báo Vĩnh Phúc Online - baovinhphuc.com.vn